Phòng trừ Rầy nâu hại lúa

Rầy nâu có tên khoa học là Nilaparvata lugens Stal, là một loài côn trùng thuộc họ Rầy Thân (Delphacidae), bộ Cánh Đều (Homoptera).

1. Đặc điểm hình thái   

a) Thành trùng: (Hình 1)

Hình 1. Thành trùng rầy nâu cánh ngắn (A) và rầy nâu cánh dài (B)

Rầy nâu có cơ thể màu vàng, đỉnh đầu nhô ra phía trước. Cánh trong suốt, giữa cạnh sau của mỗi cánh trước có một đốm đen, khi xếp cánh, hai đốm này chồng lên nhau tạo thành đốm đen to ở giữa lưng.

Rầy đực có cơ thể dài từ 3,6-4 mm. Rầy cái màu nâu nhạt và có kích thước to hơn rầy đực. Chiều dài cơ thể rầy cái từ 4-5 mm, bụng to tròn. Bộ phận đẻ trứng bén nhọn màu đen ở khoảng giữa mặt dưới bụng.

Thành trùng rầy nâu có 2 dạng cánh (Hình 1). Cánh dài che phủ cả thân và chủ yếu dùng để bay đi tìm thức ăn. Cánh ngắn phủ đến đốt thứ sáu của thân mình (khoảng giữa lưng). Dạng cánh này chỉ phát sinh khi thức ăn dầy đủ, thời tiết thích hợp và có khả năng đẻ trứng rất cao.

Đời sống trung bình của thành trùng rầy nâu khoảng từ 10-20 ngày, có thể lên đến 30 ngày. Trong thời gian này, một rầy cái cánh dài đẻ khoảng 100 trứng, và rầy cái cánh ngắn đẻ từ 300-400 trứng. Nếu điều kiện thích hợp, một rầy cái có thể đẻ đến cả ngàn trứng.

b) Trứng:

Trứng rầy nâu được đẻ thành từng hàng vào bên trong bẹ lá cây lúa. Mỗi hàng có từ 8-30 trứng. Trứng dài 0,3-0,4 mm, mới đẻ màu trắng trong, trứng sắp nở màu vàng. Thời gian ủ trứng là 5-14 ngày.

Hình 2. Trứng và vị trí đẻ trứng của rầy nâu hại lúa

Hình 3. Các tuổi khác nhau của ấu trùng rầy nâu

c) Ấu trùng (Hình 3)

Ấu trùng rầy nâu khi mới nở rất nhỏ, màu trắng sữa, càng lớn càng chuyển thành màu nâu nhạt (tuổi 1 và 2). Giai đoạn này còn gọi là rầy cám. Ấu trùng rầy tuổi lớn rất giống thành trùng cánh ngắn nhưng cánh ngắn hơn và đục, trong khi cánh của thành trùng cánh ngắn thì trong suốt với các gân màu nâu đậm. Ấu trùng rầy có 5 tuổi, phát triển trong thời gian từ 14-20 ngày.

Vòng đời của rầy nâu kéo dài từ 25-28 ngày, trong điều kiện nhiệt độ dao động trong khoảng 25-30oC (Hình 4).

Hình 4. Tóm tắt vòng đời rầy nâu

1.1.1.2. Đặc điểm sinh học và cách gây hại

a) Đặc điểm sinh học và cách gây hại

Sau khi vũ hóa từ 3-5 ngày, thành trùng cái bắt đầu đẻ trứng bằng cách rạch bẹ lá hoặc gân chính của phiến lá, gần cổ lá và đẻ trứng vào bên trong mô thành từng hàng. Khi mật số cao, rầy mới đẻ trứng vào gân chính của phiến lá, phần gần cổ lá. Khoảng 3 ngày sau, các vết đẻ trứng trên bẹ lúa chuyển sang màu nâu do nấm bệnh xâm nhập vào. Các vết này dài từ 2-3 mm, đôi khi  dài đến 10 mm, chạy dọc theo bẹ lá. Rầy cái tập trung đẻ dưới gốc cây lúa, cách mặt nước từ 10-15 cm. Rầy trưởng thành cánh dài bị thu hút nhiều bởi ánh sáng đèn và vào đèn nhiều lúc trăng tròn, bay vào đèn nhiều từ 8-11 giờ ban đêm.

Rầy nâu mới di cư đến ruộng lúa chưa có khả năng đẻ trứng do buồng trứng chưa phát triển hoàn toàn. Sau khi ăn ở trên cây lúa khoảng 24 giờ thì buồng trứng phát triển và đến 48 giờ thì buồng trứng đã to và nhiều trứng đã phát triển hoàn chỉnh và chúng bắt đầu sinh sản.

Hình 5. Thành trùng và ấu trùng rầy sống tập trung chích hút nhựa tại gốc cây lúa

Cả thành trùng và ấu trùng rầy nâu đều thích sống dưới gốc cây lúa và có tập quán bò quanh thân cây lúa. Khi bị động rầy nhảy xuống nước hoặc nhảy lên tán lá để lẩn tránh. Rầy nâu thích tấn công cây lúa khi còn nhỏ, nhưng nếu mật số cao có thể gây hại mọi giai đoạn tăng trưởng của cây lúa.

Giai đoạn lúa đẻ nhánh, rầy chích hút nơi bẹ lá, tạo thành những sọc màu nâu sậm dọc theo thân (Hình 5).

Giai đoạn lúa làm đòng đến trổ, rầy thường tập trung chích hút ở cuống đòng non. Ở giai đoạn lúa chín, rầy tập trung lên phần non mềm bên trên để chích hút.

Cả thành trùng và ấu trùng rầy nâu đều chích hút cây lúa bằng cách cho vòi chích hút vào bó libe của mô và hút nhựa. Trong khi chích hút, rầy tiết nước bọt phân hủy vào mô cây, tạo thành một vùng bao chung quanh vùng chích hút, cản trở sự di chuyển cả nhựa nguyên và nước lên phần trên của cây lúa, làm cây lúa bị khô héo, gây nên hiện tượng “cháy rầy” (Hình 6).

Ngoài ảnh hưởng gây hại trực tiếp như trên, rầy nâu còn gây hại gián tiếp cho cây lúa như sau:

– Mô cây tại các vết chích hút và đẻ trứng trên thân cây lúa bị hư do sự xâm nhập của một số loài nấm, vi khuẩn.

– Phân rầy tiết ra có chất đường, thu hút nấm đen tới đóng quanh thân gốc cây lúa, cản trở quang hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.

– Rầy nâu thường truyền bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá, vàng lùn – lùn xoắn lá (xem mục bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá).

Hình 6. Hiện tượng “cháy rầy” trên ruộng lúa

b) Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số rầy nâu

– Thời tiết:

Nhiệt độ thích hợp để rầy nâu phát triển là từ 25-30°C. Ở nhiệt độ 20°C, thời gian đẻ trứng của rầy nâu cái kéo dài 24 ngày, trong khi ở 30°C thì thời kỳ này chỉ còn 3 ngày.

Mưa lớn và liên tục nhiều ngày, làm rầy trưởng thành bị suy yếu, rầy cám bị rửa trôi, đồng thời rầy cũng dễ bị nấm tấn công. Khi mưa nhỏ hoặc mưa nắng xen kẽ, trời âm u, thích hợp để rầy phát triển mật số. Ẩm độ thích hợp với rầy nâu là từ 80-86%.

Rầy nâu có khả năng di chuyển xa và nếu có gió, rầy bốc lên cao theo gió và bị cuốn đi. Rầy nâu có thể di chuyển xa đến hàng chục ngàn cây số.

– Thức ăn: Đây là yếu tố quan trọng, đóng vai trò quyết định đối với việc tăng hoặc giảm mật số rầy nâu trên đồng ruộng.

Các giống lúa ngắn ngày, không kháng rầy, lá xanh, được bón phân đạm nhiều là nguồn thức ăn ưa thích của rầy.

Yếu tố thức ăn và thời tiết có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành số lượng rầy cái hoặc đực, cũng như hình dạng cánh ngắn hay cánh dài. Ở thời kỳ đẻ nhánh đến trổ, nếu giống lúa thích hợp, thức ăn non mềm, số lượng rầy cái gần bằng 4 số lượng rầy đực. Ở thời kỳ lúa chín, số lượng rầy đực và rầy cái bằng nhau.

Nhiệt độ, ẩm độ thích hợp, thức ăn phong phú, loại hình cánh ngắn xuất hiện nhiều hơn. Trong số này, thì tỷ lệ rầy cái lúc nào cũng cao hơn.

Nếu nhiệt độ cao, khô hạn, thức ăn không đầy đủ hay không thích hợp thì loại cánh dài xuất hiện nhiều.

Rầy nâu sống trên lúa từ giai đoạn đâm chồi đến ngậm sữa, nếu có thức ăn đầy đủ đúng vào thời kỳ có điều kiện thời tiết thích hợp, loại hình cánh ngắn xuất hiện nhiều, có thể lên đến 100%.

– Mùa vụ: Lúa cao sản được trồng liên tục 2-3 vụ trong một năm nên trên đồng ruộng luôn có thức ăn thích hợp cho rầy nâu.

– Phân bón: Bón nhiều phân đạm, làm lúa xanh tốt, non, mềm, dễ thu hút rầy tới sinh sống và phát triển mật số.

– Thiên địch: Nhiều loài ký sinh, ăn thịt và nấm bệnh gây hại mọi giai đoạn của rầy nâu. Các loại thiên địch quan trọng là bọ rùa, kiến ba khoang, bọ xít nước, bọ xít mù xanh, ong ký sinh, nhện, nấm gây bệnh…

+ Kiến ba khoang: có hai loài kiến ba khoang thường gặp trên đồng ruộng là Paederus fuscipes (Curtis) thuộc họ Staphylinidae và Ophionea indica (Schmidt- Goebel) thuộc họ Carabida. Cả ấu trùng và thành trùng kiến ba khoang đều ăn ấu trùng và thành trùng rầy nâu. Một con kiến ba khoang có thể ăn từ 3-5 rầy nâu mỗi ngày. Khi làm ngoài đồng cần chú ý, vì loài kiến ba khoang có thể cắn con người và gây nên triệu chứng bỏng rộp (Hình 1.7).

Hình 7. Thiên địch kiến ba khoang loài Paederus islae (A) và loài Paegedus iliensis (B), triệu chứng khi bị kiến ba khoang cắn (C), ổ kiến ba khoang dưới tảng đá (D)

+ Bọ rùa: Có nhiều loài bọ rùa tấn công rầy. Mỗi con bọ rùa, có thể ăn từ 5-10 con rầy, cả ấu trùng lẫn thành trùng (Hình 8).

+ Bọ xít mù xanh: Cyrtorhimus lividipennis Reuter, họ Miridae, bộ Cánh Nữa Cứng. Ấu trùng và thành trùng bọ xít mù xanh chủ yếu tấn công trứng của rầy nâu. Thành trùng bọ xít mù xanh còn săn bắt cả ấu trùng và thành trùng rầy nâu để ăn. Mỗi ngày một con bọ xít mù xanh có thể ký sinh từ 7-10 trứng rầy hoặc từ 1-5 con rầy (Hình 9).

Hình 8. Thành trùng và ấu trùng các loài bọ rùa, thiên địch của rầy nâu hại lúa

+ Bọ xít nước: Có hai loài bọ xít nước thường xuất hiện trên ruộng lúa là Microvelia atrolineata Bergroth và Mesorvelia sp. thuộc họ Mesoveliidae. Cả hai loài trên đều thuộc bộ Cánh nữa cứng (Hemiptera). Ấu trùng và thành trùng của các loài bọ xít này đều chích hút chất dịch bên trong cơ thể ấu trùng và thành trùng rầy nâu. Một bọ xít có thể gây hại từ 4-7 ấu trùng rầy nâu mỗi ngày (Hình 1.9).

Hình 9. Bọ xít mù xanh và các loài bọ xít, thiên địch của rầy nâu

+ Các loài nhện: phổ biến trong nhóm nhện là loài Lycosa pseudoannulata (Boesenberg-Strand), một con nhện có thể ăn từ 5-15 rầy nâu mỗi ngày.

¨ Nhện Lycosa pseudoannulata có vạch hình nĩa hoặc chữ Y trên lưng và bụng có những điểm trắng, thường sống ở tầng gốc lúa. Đây là loài nhện rất linh hoạt và tấn công con mồi trực tiếp. Nhện trưởng thành ăn rầy và rất nhiều loại côn trùng có hại, kể cả bướm sâu đục thân. Mỗi ngày chúng có thể ăn 5-15 con mồi. Với mật số cao thì chúng có thể ăn thịt lẫn nhau.

Hình 10. Nhện thiên địch Lycosa pseudoannulata tấn công rầy

+ Các loài ký sinh: có nhiều loài ong ký sinh đẻ trứng vào trứng ấu trùng hoặc thành trùng rầy nâu. Khả năng ký sinh của từng loài khác nhau, có loài chỉ ký sinh từ 2-8 trứng rầy trong 1 ngày. Có loài ký sinh từ 15-30 trứng rầy trong một ngày.

+ Các loài nấm gây bệnh: Trong tự nhiên có nhiều loài nấm gây bệnh, vi khuẩn hoặc virus gây chết cho rầy nâu với tỷ lệ rất đáng kể. Tùy mùa vụ, tỷ lệ này có thể lên đến 30%. Ba loài nấm gây bệnh cho rầy nâu thường gặp trên đồng ruộng là Neauveria bassiana (Balsamo), Metarrhizium sp., và Hirsutella sp.

1.1.1.3. Biện pháp phòng trừ

Do rầy truyền bệnh virus, đặc biệt là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá, vì vậy, việc phòng trừ rầy nâu cũng cần chú ý kết hợp để quản lý bệnh vàng lùn lùn xoắn lá.

– Không trồng lúa liên tục trong năm, bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất 20-30 ngày, không để vụ lúa chét. Theo sự phân vùng của ngành nông nghiệp, thời vụ trong cùng một vùng phải tập trung, không được gieo sạ kéo dài.

– Vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày, trục kỹ trước khi gieo sạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước.

– Sử dụng giống lúa kháng rầy, lúa giống có chất lượng tốt, không lấy lúa ăn làm lúa giống; nếu điều kiện có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý hạt giống. Các giống nhiễm nhưng có khả năng chống chịu tốt với rầy nâu, bệnh VLLXL là OM4900, Jasmine 85, OM6976 và giống nếp IR4625; riêng 2 giống OM5451 và IR50404 nhiễm nặng

– Không gieo sạ quá dày trên 120 kg giống/ ha.

– Áp dụng biện pháp né rầy: thường mỗi tháng có một đợt rầy vào đèn rộ kéo dài từ 5-7 ngày; để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn. Như vậy, khi lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh.

– Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa.

– Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa phân đạm; tăng lượng phân lân và phân kali để nâng cao sức chống chịu đối với bệnh.

– Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu trên cây lúa (phải vạch gốc lúa để xem). Kết quả thống kê qua nhiều năm cho thấy cứ khoảng 12- 14 năm thì rầy nâu bộc phát thành dịch và truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VLLXL) hại lúa. Năm 2005- 2006, đã bùng phát dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá, vì vậy có thể căn cứ vào thời điểm này để dự đoán thời gian dịch kế tiếp.

– Biện pháp sinh học:

+ Cho vịt con từ 4-5 tuần tuổi vào ruộng lúa, khoảng 100-150 con/ha;

+ Khi lúa được khoảng 20 ngày sau sạ, thả một số loài cá như: cá rô phi, mè vinh vào ruộng lúa, mật số 3-4 con/m2.

– Biện pháp cơ lý: Sử dụng bẫy đèn thu hút rầy vào bẫy. Hàng đêm có thể đốt đèn từ 7-10 giờ tối. Bẫy đèn nên làm đồng loạt.

– Biện pháp hóa học:

Thăm ruộng thường xuyên để ghi nhận mật số của rầy cũng như của thành phần và số lượng thiên địch hiện diện trên đồng ruộng để quyết định việc áp dụng thuốc trừ rầy. Khi cần phải áp dụng thuốc thì nên theo nguyên tắc “bốn đúng”:

  • Đúng thuốc: dùng các loại thuốc trị rầy. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh tình trạng rầy quen thuốc.
  • Đúng liều lượng: Pha thuốc theo dùng liều lượng và nồng độ khuyến cáo.
  • Đúng lúc: Phun thuốc khi rầy nở rộ ở tuổi 1-3 (15-20 ngày sau khi rầy nâu có cánh vào đèn) hoặc rầy trưởng thành chiếm đa số. Do rầy truyền bệnh virus, đặc biệt là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá, vì vậy, việc phòng trừ rầy nâu cũng cần chú ý kết hợp để quản lý bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày, nếu phát hiện xuất hiện thì phun thuốc diệt trừ ngay. Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ 20 ngày, chú ý theo dõi phát hiện lứa rầy thứ 2 (40-50 ngày sau sạ), nếu mật số rầy khoảng 10 đến 15 con /bụi phải phun thuốc ngay. Giai đoạn từ sau sau 50 ngày đến trổ-chín, nếu phát hiện rầy với mật số từ 3 con/dảnh trở lên thì phun thuốc diệt rầy.
  • Đúng cách: hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy bu; không được phun trên ngọn lá lúa. Trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, xịt dễ trúng rầy hơn

Một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ rầy:

(1) Hoạt chất Dinotefuran: Nhóm thuốc Neonicotinoid,nhóm độc III (WHO). Thuốc có tác dụng tiếp xúc và nội hấp. Thuốc có hiệu quả cao khi phòng trừ rầy non và rầy trưởng thành và có thể bảo vệ cây lúa non 5 ngày sau khi phun thuốc. Hiệu lực của thuốc thể hiện rõ ngày sau vài giờ phun thuốc. Lượng dùng: Thuốc dạng 20WP dùng 50-100 g/ha. Lượng nước phun là 400 lít/ha. Phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ. Các tên thương mại:  Carasso 400WP, Cheer 20WP, Oshin…

(2) Hoạt chất Clothianindin: Nhóm thuốc Neonicotinoid, nhóm độc III (WHO). Thuốc có tác dụng nội hấp. Thuốc có hiệu quả cao khi phòng trừ rầy non và rầy trưởng thành và có thể bảo vệ cây lúa non 5 ngày sau khi phun thuốc. Lượng dùng: Thuốc dạng 16WGS dùng 140 g/ha. Lượng nước phun là 400 lít/ha. Phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ. Các tên thương mại: Dantotsu 16SG, 50WG; Thunderan 50WG, Tiptof 16SG.

(3) Hoạt chất Thiamethoxam: Nhóm thuốc Neonicotinoid. Nhóm độc III (WHO). Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc, nội hấp mạnh và lưu dẫn. Khi phun vào cây thuốc được hấp thu nhanh vào cây và có tính hướng ngọn. Thuốc diệt trừ nhanh rầy non và rầy trưởng thành. Phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ. Tùy thuộc mật số rầy và lúa kín hàng nên tăng lượng nước phun thì hiệu quả mới cao. Liều lượng sử dụng: Dạng 25 WG dùng 25-80 g/ha. Lượng nước phun là 400 lít/ha. Các tên thương mại: Actara 25WDG, AnfazaWDG, Amira 25WDG, Asara Super 250WDG.

(4) Hoạt chất Pymetrozine: Nhóm thuốc Pyridine azomethine, nhóm độc III, thuốc có tác dụng nội hấp, làm ngưng hoạt động của hệ tiêu hóa. Lượng dùng: Thuốc dạng 50WG dùng 300 g/ha. Lượng nước phun là 480 lít/ha. Phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ. Các tên thương mại: Chess 50WG, Oscare 100WP.

(5) Hoạt chất Imidacloprid: Nhóm Neonicotionoid, nhóm độc II (WHO). Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc và lưu dẫn, có tính hướng ngọn. Cây hấp thu thuốc nhanh. Thuốc diệt trừ nhanh rầy non và rầy trưởng thành. Phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ. Lượng dùng: Thuốc dạng 100 SL dùng 0,4-0,5 L/ha pha trong 400 lít nuớc. Thuốc dạng 10 WP,100 WP dùng 0,4-0,5 kg/ha pha trong 400L nước. Thuốc ở dạng 700 WG dùng 40 g/ pha trong 400 L nước.

Các tên thương mại: Vicondor 50EC, Admire 50EC, Confidor 100SL, 700WG, Armada 50EC….

(6) Hoạt chất Fenobucarb: Nhóm thuốc Carbamate, nhóm độc II (WHO). Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc, không lưu dẫn, thích hợp cho việc dập dịch khi rầy có mật độ cao do hiệu lực trừ rầy cao và nhanh. Thuốc diệt rầy non và rầy trưởng thành, không diệt trứng nên hiệu lực thuốc không kéo dài. Liều lượng sử dụng: 1,5-2,0 L /ha, pha trong 400 L nước (30-40 ml thuốc/ bình 8 lít. Phun ướt đều cây lúa tối thiểu 5 bình 8 lít cho 1.000 m2). Phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ. Nếu mật số rầy cao phải phun 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày hiệu quả sẽ cao hơn. Phun kỹ ở gốc lúa nơi rầy thường trú ẩn. Phun sớm khi rầy ở tuổi nhỏ (rầy cám).

Các tên thương mại: Bassa 50EC, Bassan 50EC, Bascide 50EC, Vibasa 50ND, Excel Basa 50ND, DiBacide 50EC.

(7) Hoạt chất Isoprocarb: Nhóm thuốc Carbamate, nhóm độc II (WHO). Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc, xông hơi nhẹ. Hiệu lực trừ rầy non cao và nhanh, không diệt trứng; nên phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ; nếu mật số rầy cao phun 2-3 lần. Lượng dùng: Phun tối thiểu 5 bình 8 lít cho 1.000 m2. Thuốc dạng 20 EC dùng 1,5-2,0 L/ha pha trong 400 L nước (từ 2-2,5 lít/ha, pha 40-50 ml thuốc/bình 8 lít). Thuốc dạng 25WP dùng 1,5-2,0 kg /ha pha trong 400 L nước. Liều dùng 25WP 1-1,5 kg/ha pha 20-30 g/ bình 8 lít. Thuốc dạng 50WP dùng 0,7-1,0 kg/ha pha trong 400 L nước.

Các tên thương mại: Vimipc 20ND, 25BTN, Mipcide 20EC, 50WP, Capcin 20EC, 25WP, Tigicarb 20EC, 25WP…

(8) Hoạt chất Abamectin: Nhóm thuốc Avermectin, nhóm độc Ib (WHO). Thuốc có tác động tiếp xúc và vị độc. Thuốc có tác dụng trừ rầy non và rầy trưởng thành hiệu quả cao. Lượng dùng: dạng 1.8EC: 0,25-0,5 lít/ha; dạng 3.6EC: 0,2-0,4 lít/ha. Lượng nước phun 400 lít/ha. Phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ.

(9) Hoạt chất etofenprox: Các tên thương mại: Trebon 10EC, 20WP, 30EC. Thuốc thế hệ mới có tác động tiếp xúc, vị độc. Hiệu lực trừ rầy cao, không gây sự tái phát rầy. Liều dùng 10EC là 0,75-1 lít/ha. Pha 15-20 ml thuốc/bình 8 lít. Phun tối thiểu 5 bình 8 lít cho 1.000 m2.

(10) Hoạt chất Acetamiprid: Nhóm thuốc NeonicotinoidI, nhóm độc II (WHO). Thuốc có tác động tiếp xúc và vị độc. Lượng dùng: dạng 200WP: 300-500 g/ha; dạng 200EC: 300-400 ml/ha; Lượng nước phun 400 lít/ha. Phun thuốc khi rầy non mới nở, tuổi còn nhỏ.

(11) Hoạt chất Buprofezin: Nhóm điều tiết sinh trưởng côn trùng, nhóm độc III (WHO), thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc, xông hơi yếu, không lưu dẫn. Thuốc kiềm hãm tổng hợp chitin, cản trở quá trình lột xác của rầy non, làm rầy non bị chết. Thuốc không diệt được rầy trưởng thành nhưng làm hạn chế khả năng đẻ trứng của chúng và giảm khả năng nở trứng. Không diệt rầy trưởng thành nên phải phun thuốc sớm lúc khi rầy non mới nở, rầy tuổi còn nhỏ (tuổi 1-2). Hiệu lực của thuốc thể hiện chậm (sau 2-3 ngày khi rầy non lột xác mới chết), nhưng thời gian duy trì hiệu lực kéo dài. Hiệu lực 3-7 ngày và kéo dài trên 20 ngày. Lượng dùng: Phun tối thiểu 5 bình 8 lít/ 1.000m2. Thuốc ở dạng 10 WP hoặc 10 BTN dùng 1,0-1,2 kg/ ha pha trong 400 L nước (Pha 20 g thuốc/bình 8 lít). Thuốc ở dạng 25 WP dùng 0,6 kg/ha pha trong 400 L nước. Pha 10 ml (g)/bình 8 lít.

Các tên thương mại: Viappla 10BTN, Applaud 10WP, 25SC, Butyl 10WP, 400SC, Encofezin 10WP, Difluent 10WP, 25WP… Liều dùng 10WP 1 kg/ha. Liều dùng 25SC (WP) 0,5 lít (kg)/ha.

(12) Hoạt chất Dimethoate: thuộc nhóm lân hữu cơ là chất độc với tế bào thần kinh. Thuốc có tác dộng ức chế hoạt tính của men ChE làm tê liệt quá trình dẫn truyền kích thích thần kinh. có tác phổ tác dụng rộng với cơ chế tiếp xúc, vị động và xông hơi mạnh

Tên thương mại: Thần Chết (40%)

(13) Các thuốc có chứa nhiều hơn 1 hoạt chất

Hoạt chất Fenobucarb + Methylcarbamate: Siêu diệt rệp

Hoạt chất Profenofos + Thiamethoxam: Thần Ưng

Hoạt chất Buprofezin + Imidacloprid: Vua rầy

Hoạt chất Nitenpyram + Pymetrozine: Phoppaway 80WG, đặc biệt hiệu quả trên các loài rày đã kháng thuốc

Hoạt chất buprofezin + fenobucard:  Applaud-Bas 27BTN…

Hoạt chất buprofezin + isoprocard: : Applaud-Mipc 25BHN, Apromip 25WP…

Có thể dùng các loại thuốc BVTV có chứa hỗn hợp các hoạt chất trên như trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Danh mục này thay đổi hàng năm.